Thái Bình với định hướng phát triển du lịch nội địa

09/05/2022
Các năm vừa qua, khi đại dịch Covid 19 bùng phát, không chỉ ngành du lịch nói riêng mà tất cả các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội đều bị ảnh hưởng, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện nay, trước bối cảnh thích ứng “bình thường mới” thì các chương trình chiến lược về du lịch đã được đề cập và đi vào hiện thực hóa. Trong đó, định hướng phát triển du lịch nội địa đang là xu thế phù hợp với điều kiện thực tế và Thái Bình cũng là một trong những tỉnh bám sát định hướng.

Nếu như các năm trước kia, khi định hướng về du lịch là sự phát triển song song giữa du lịch quốc tế và du lịch nội địa, theo đó "Lấy du lịch quốc tế là hướng chiến lược" hay nói một cách khách du lịch quốc tế được ưu tiên hơn trong các giai đoạn phát triển. Thì nay, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, chúng ta mới thấy rằng có nhiều vấn đề khiến những người làm du lịch phải thay đổi cả về nhận thức lẫn hành động. Về các loại hình du lịch thì cần nhìn nhận, đánh giá lại tầm quan trọng, vai trò nền tảng của du lịch nội địa. Đối với Thái Bình -   từ trước đến nay du lịch nội địa luôn có vị trí, vai trò rất lớn đối với sự phát triển chung của toàn ngành, đây cũng là dịp chúng ta cần phải đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nội địa một cách bài bản, đáp ứng nhu cầu, sở thích của người Việt Nam.

Là một tỉnh mang đậm dấu ấn của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, không có núi, bao bọc là hệ thống sông, ngòi dày đặc, với 53 km bờ biển vẫn còn hoang sơ cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nên các loại hình du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông thôn, làng quê sẽ luôn là thế mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục hoạt động, khi việc du lịch mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam vẫn đang còn rất dè dặt thì phát triển du lịch nội địa sẽ là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Với sự tác động sâu rộng của đại dịch khiến chúng ta như thu hẹp mình hơn, sống khép kín bao bọc - thì đây cũng chính là cơ hội để một tỉnh thuần nông như Thái Bình được tiếp cận du khách nhiều hơn, mở ra nhiều hoạt động trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, với nền văn hóa truyền thống lâu đời mà khi đến với mảnh đất quê hương “chị hai năm tấn” sẽ được cảm thụ, xoa dịu tâm hồn. Cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng mang tầm quốc gia như: Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, Chùa Keo, Đền Tiên La, Đền Đồng Bằng, Đình, đền, bến Tượng A Sào... Với cái nôi của các loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng văn minh lúa nước sông Hồng , du khách sẽ được thẩm nhận qua các làn điệu chèo, hay những buổi xem múa rối nước đầy thú vị, rồi cùng ngồi tại các ngôi nhà cổ nhâm nhi tách trà xanh thơm ngát thưởng thức cùng với bánh cáy - đặc sản quê lúa, hay chiếc kẹo lạc ngọt ngậy thơm ngon ngắm khung cảnh làng vườn, du khách còn có thể hòa với không khí cấy cày tham gia với các cô, bác nông dân từ đó sẽ hiểu thêm về hoạt động nông nghiệp trồng lúa nước, hay hoạt động đánh bắt cá, cào ngao, làm muối,...

Việc thu hút du khách đến tham quan sẽ mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch cũng như gia tăng thu nhập của những người nông dân nơi đây. Sau những ngày làm việc đầy stress, chỉ cần với một ngày cuối tuần trải nghiệm mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch này, bạn sẽ thấy như trút bỏ mọi ưu phiền, lo nghĩ cũng như có thời gian phục hồi sức khỏe. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, du lịch Thái Bình đã vận dụng và xây dựng các chương trình đặc sắc cho du khách như “một ngày làm nông dân”,  đưa du khách tới nhiều làng nghề truyền thống như “trải nghiệm với làng nghề chạm bạc Đồng Xâm” - “ một ngày làm ngư dân” tại Tiền Hải, Thái Thụy,...hay trải nghiệm và tìm hiểu làm bánh cáy, kẹo lạc, làm bánh, bún,... Du khách sẽ vừa được thưởng thức các món ăn ngon, dân dã, vừa được tham gia trải nghiệm, đắm chìm trong khung cảnh yên bình mộc mạc, những cánh đồng lúa trải dài cũng như tìm hiểu về đời sống văn hóa của người địa phương, góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Như vậy có thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của du lịch nội địa từ góc nhìn chiến lược tổng thể phát triển du lịch. Du lịch nội địa vẫn tạo được nguồn thu và thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch. Từ đó, du lịch Thái Bình nói riêng cần đặt vấn đề nâng cao chất lượng trên tất cả các mặt: nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, xây dựng chương trình, tăng cường thúc đẩy các kết nối vùng liên kết du lịch. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cần được thực hiện chuyên nghiệp hơn tạo hiệu ứng lan tỏa lớn kích cầu cho thị trường nội địa, cùng nhau chung tay xây dựng hình ảnh về một điểm đến Thái Bình “an toàn - thân thiện”.

                                                            Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn