Lễ khánh thành ngôi đại hùng bảo điện KIm Quý Tự- Chùa Đọ, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng

25/09/2023
Sáng ngày 24/9/2023, tức ngày 10 tháng 8 năm Quý Mão, tại khuôn viên chùa Đọ tên chữ Kim Quý Tự, xã Đông Sơn long trọng tổ chức lễ khánh thành ngôi Đại hùng bảo điện.

Công trình xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích LSVH cấp quốc gia ngôi Đại hùng bảo điện Kim Quý Tự- Chùa Đọ, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng hoàn thành đưa vào sử dụng với tâm niệm “Tác nhất thời, lưu vạn đại” để lại cho hậu thế một tài sản vô giá và tô đẹp cho nền văn hóa của dân tộc thêm một điểm son về tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo phật giữa lòng nhân thế. 

Quang lâm và chứng minh buổi lễ khánh thành có Hòa Thượng Thích Thanh Dục- Phó pháp chủ Giáo hội phật giáo Việt Nam, Hòa Thượng Thích Quảng Hà- Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự TW giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Phó trưởng ban thường trực Ban kiểm soát TWGHPGVN- Trưởng ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Nam Định, Thượng Tọa Thích Thanh Hòa, Ủy viên Hội đồng trị sự TW giáo Hội Phật giáo Việt Nam- Trưởng ban trị sự giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình, Đại đức Thích Thanh Diễn ủy viên thường trực - Trưởng Ban trị sự giáo hội phật giáo huyện cùng các vị Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa Đại đức Tăng - Ni và đông đảo các tín đồ phật tử.

Về phía chính quyền có sự hiện diện của Đồng chí Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Trần Thị Bích Hằng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Trần Quang Minh - Phó Ban dân vận tỉnh; Ông Phạm Văn Thưởng Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; đồng chí Bùi Bá Vường-  Phó chủ tịch UBND huyện; thủ trưởng một số phòng, ban liên quan cùng các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền, các ban ngành của xã, quý khách thập phương và nhân dân địa phương về dự.

             Đồng chí Trần Thị Bích Hằng- PCT UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng

Chùa Đọ cũng như các ngôi chùa khác ở Đồng bằng Bắc Bộ là một biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, gắn liền với sự phát triển của cư dân làng Đọ. Chùa thờ phật, thờ Mẫu và thờ tổ các vị sư trụ trì chùa. Nơi đây còn bảo lưu được nhiều hiện vật cổ có giá trị như trên chuông và khánh đồng còn lưu những bài văn, minh chuông, minh khánh do một vị tiến sỹ thời Lê soạn thảo để ca ngợi đạo phật và thắng cảnh của chùa, ngoài ra còn có hệ thống y môn, cửa võng được trạm trổ cầu kỳ, tinh xảo bởi trình độ điêu khắc gỗ như tứ linh, tứ quý mang nội dung thể hiện như: Thích Ca nhập niết bàn, Thích Ca thuyết pháp, Thích Ca tuyết sơn…Đó là những tác phẩm chỉ có tại chùa Đọ mà không có tại ngôi chùa nào trên đất Thái Bình, ngoài ra chùa còn lưu giữ hàng trăm mảnh ván in kinh phật. Những tư liệu này cho biết thời Lê, chùa Đọ là một trung tâm phật giáo của cả một khu vực lớn đồng bằng Bắc Bộ.

 

       Đồng chí Bùi Bá Vường- PCT UBND huyện tặng hoa chúc mừng

Chùa Đọ có từ rất sớm trải qua năm tháng thiên tai hủy hoại cùng sự phát triển của làng Đọ. Tuy nhiên, niên đại về sự ra đời của ngôi chùa chưa được biết chính xác. Tấm bia trùng tu chùa cho biết vào năm 1681 (Chính Hòa nhị niên) chùa được trùng tu lại. Trải qua sự hà khắc của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh đến nay công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng mất an toàn cho các tín đồ, phật tử vào hành lễ.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa làng xã trong quá trình kế tiếp tiền nhân xây dựng, bồi đắp nên cho bề dày LSVH và đáp ứng nguyện vọng của các chư tăng, phật tử chùa Đọ, ngày 24/01/2022 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 265/BVHTTDL-DSVH về việc thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Đọ (Kim Quý Tự), tỉnh Thái Bình; các chư tăng, phật tử chùa Đọ đã đem hết tâm huyết của mình, phát bồ đề tâm rộng lớn, quyết định khởi công trùng tu tôn tạo ngôi chùa với tâm niệm “Tác nhất thời, lưu vạn đại” để lại cho hậu thế một tài sản vô giá và tô đẹp cho nền văn hóa của địa phương, của dân tộc thêm một điểm son về tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo phật giữa lòng nhân thế.

 

                      Chư tôn Thiền đức cùng lãnh đạo các cấp dâng hương tại ngôi Tam Bảo

Khu nội tự chùa Đọ giữ nguyên kiến trúc theo dạng chữ quốc- một kiểu kiến trúc phổ biến ở các ngôi chùa có quy mô lớn ở nước ta, chùa quay hướng Tây Hai dãy hành lang phía đông và phía tây, kết cấu kiến trúc bằng đá và gỗ, gạch miết vỉa.  Nổi bật là kiến trúc đầu đao cao vút và được trang trí với hình rồng tạo vẻ nhẹ nhàng, thoáng đạt cho người dân khi đến tham quan và dâng hương tại chùa. Trải qua gần 12 tháng tu bổ hết sức khẩn chương và mau lẹ với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, đến nay công trình đã viên mãn hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân cùng quý khách thập phương, đồng thời góp phần bảo tồn được thiết chế bề thế, khang trang nhưng vẫn giữ được yếu tố gốc cấu thành di tích với dáng vẻ trầm mặc, cổ kính, đây là việc làm hết sức ý nghĩa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Biểu diễn văn nghệ chúc mừng tại lễ khánh thành

Cũng tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND xã Đông Sơn đã ghi nhận những tấm lòng thiện tâm công đức của các quý khách thập phương, tín đồ phật tử cùng nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm đã ủng hộ tinh thần, vật chất để ngôi Đại hùng bảo điện hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBMTTQVN xã, đ/c rất mong các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, doanh nhân, bà con phật tử cùng nhân dân trong và ngoài xã tiếp tục phát tâm công đức ủng hộ số kinh phí còn thiếu để dự án sớm hoàn thành chi phí xây dựng với thời gian nhanh nhất. Đồng thời đồng chí cũng bày tỏ lòng cảm ơn đối với các đồng chí lãnh đạo Bộ, các sở, ban ngành của tỉnh, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Ban quản lý di tích chùa Đọ trong quá trình xây dựng hồ sơ tu bổ cũng như trong quá trình thi công xây dựng

Ngày nay du khách về thăm quan Chùa Đọ còn có thể kết hơp chiêm bái các di tích có giá trị lịch sử văn hoá như: Đình tàu, một công trình kiến trúc nghệ thuật vẫn giữ được những vẻ đẹp gần như nguyên vẹn của kiến trúc đình làng Bắc Bộ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nơi thờ tự hai vị thành hoàng là Đương Đình và Sinh Đài; đền thờ Mẫu thờ vị Tỉnh Nương là thứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng một di tích kiến trúc nghệ thuật; từ đường Phạm Huy Quang- Ông từng làm quan nhà Nguyễn tới chức Giám sát ngự sử đạo Đông Bắc (chức quan thuộc Đô sát viện nhà Nguyễn), là nghĩa quân chống Pháp, từng cùng Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện chỉ huy đánh Pháp trong trận Bắc Lệ. Ông là một trong những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Cần Vương nửa cuối thế kỷ 19. Phương tiện di chuyển các điểm di tích khá thuận tiện, du khách có thể lựa chọn đi lại bằng ô tô hoặc xe máy./.

                                                  Minh Thu

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn