Lễ hội truyền thống Đền Lộng Khê - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

11/05/2022
Đền Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ có diện tích 3700m2 được xây dựng thành ba tòa (gọi là Tam tòa). Đền nhìn về hướng Tây Bắc, nhìn ra sông Luộc trước mặt ngôi đền có một hồ nước rộng khoảng 1000m2 với cây cầu đá dẫn từ ngoài vào giếng tròn ở giữa hồ. Đền Lộng Khê thờ vị Quốc sư triều Lý, họ Dương, tên húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ (dân gian nói trạnh là Khổng Lồ), quê ở Hà Nam Ninh, làng Giao Thủy (nay là làng Hộ Xá, huyện Hải Thanh, tỉnh Nam Định). Ông mất ngày 03/6/1094 (năm Giáp Tuất, hiệu phong năm thứ 3 đời vua Lý Nhân Tôn), ông thọ 79 tuổi. Hiện nay, di tích Chùa Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là nơi thờ chính của Quốc sư. Đền còn là nơi phối thờ Thái úy Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Hiện nay, Đền còn lưu giữ khá nhiều di vật có giá trị tiêu biểu như: Hòn đá lớn đặt ở gian giữa phía sau đại bái, được coi là một di vật gắn liền với đức Thánh.

Theo truyền thuyết, những vết lồi lõm trên hòn đá này là dấu vết chân của Thánh để lại trong những lần giúp người dân nơi đây khai hoang trị thủy và được dân gian truyền tụng thành huyền thoại, thiêng hóa, coi đó là vết chân khổng lồ của Thánh và rất mực tôn thờ. Hay bộ (09) tranh thờ bằng gỗ được vẽ khá sinh động bằng chất liệu dầu thực vật có kích thước 1,2m x 0,8m với nội dung miêu tả chặng đường tìm thầy học đạo của Dương Không Lộ, Từ Đạo Hạnh và Giác Hải cùng với 08 sắc phong, trong đó một sắc phong cho Trần Hưng Đạo vào năm 1924 và bốn sắc phong cho Không Lộ Đại pháp thiền sư vào các triều vua Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), Tự Đức năm thứ 33 (1880), Đồng Khánh năm thứ 2 (1886) và Duy Tân năm thứ 3 (1909). Với những giá trị đặc sắc, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, Đền Lộng Khê đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích LSVH cấp Quốc gia vào năm 1990.

Đền Lộng Khê chính là không gian bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - lễ hội truyền thống Đền Lộng Khê (lễ hội Đền Lộng Khê được Bộ Vưn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật Thể Quốc gia vào năm 2016). Theo thông lệ, lễ hội truyền thống đền Lộng Khê được diện ra từ ngày 23/3 đến hết ngày 25/3 âm lịch hằng năm với nhiều lễ thức, nhiều trò chơi, trò diễn cuốn hút trai thanh gái lịch trong vùng tham gia như đấu vật, chọi gà, múa kéo chữ, thi diều sáo…  tuy nhiên, tiêu biểu, độc đáo nhất phải kể đến là múa Bát Dật và tục đốt cây đình liệu.

Múa Bát Dật là điệu múa cung đình bắt nguồn từ điệu múa cổ xưa kia của người Việt, đến năm Minh Mạng nguyên niên (1820), vua sai sửa lại để múa vào những dịp tế lễ, ngày hội. Đội múa gồm 64 nam chia thành tám hàng gọi là (bát dật), mỗi hàng tám người chia thành hai nhóm: võ và văn. Mỗi nhóm có một người hiệu cờ điều khiển, có phường bát âm họa theo). Múa Bát Dật trong hội đền Lộng Khê chính là điệu múa Bài Bông thời Trần đã được sắp xếp lại với nhịp phách hát ả đào và những bài chúc tụng cổ điển ca ngợi chiến thắng, ca ngợi cảnh đất nước thanh bình với động tác gắn liền với nghề nông tang của các cô thôn nữ. Điệu múa này có từ thời nhà Chu (1066-211-TCN) ở Trung Quốc. Đến thời Khổng tử (551 TCN - 479 TCN) được san định, cải tiến thành bộ Lễ nhạc. Y phục sử dụng trong múa Bát Dật bao gồm mũ có hình 3 cánh sen màu hồng thêu kim tuyến lóng lánh, bên trên cài ba ngọn đèn được gọi là mũ kiều. Áo múa thường là áo tứ thân, có yếm đỏ hoặc hồng, dải thắt lưng màu đỏ hoặc màu sắc khác nhau tùy vào độ tuổi của người tham gia múa. Đạo cụ trong múa Bát Dật, gồm có: Khăn múa, quạt múa (là loại quạt giấy hoặc quạt vải mềm), giầy tất, bộ gõ. Múa Bát Dật trong hội làng Lộng Khê được tổ chức trước sân đền với 11 lớp múa theo thứ tự: lễ Thánh, múa hát lời 1, múa Hoa hồi, múa Bát môn, múa hát lời 2, múa Quay tơ, múa Bát giác, múa Bổ dồn, múa hát lời 3, múa Tiên, múa Xoáy ốc và lễ tạ.

Tục đốt cây Đình Liệu: Diễn ra vào tối 24/3 âm lịch hằng năm. Trên sân đền, dân làng mỗi người một bó đuốc nhỏ được châm từ ngọn lửa thiêng rước từ cung cấm ra và bắt đầu rước đuốc quanh làng theo hướng “Xuất Đông nhập Tây” được đi vòng quanh làng đi đầu đoàn rước đuốc là đội kì lân dọn đường tiếp theo là đội cờ và cuối cùng là đội rước đuốc. Thời khắc đã đến, cụ mạnh bái của làng tiến hành lễ trong cung cấm để xin lửa thánh- ngọn lửa thiêng. Sau đó lửa thánh được rước từ trong cung cấm ra sân đình châm vào dây dẫn xung quanh cây đình liệu dùng tời lên. Mọi người nín thở chờ đợi ngọn lửa leo nhanh đến ngọn. Và rồi, trên ngọn cây đình liệu, một luồng lửa bừng lên trong tiếng nổ lốp bốp của tre luồng và tiếng hò reo của những người đi hội. Lửa sẽ theo dây dẫn có tẩm dầu cháy lên đến ngọn cây. Cùng với pháo hoa, cây đình liệu trở thành bó đuốc khổng lồ chiếu sáng cả một vùng trong tiếng hò reo của người dân quanh vùng. Trong khi cây đình liệu cháy các cụ bà niệm Phật cầu mong mọi điều tốt lành, hạnh phúc đến với dân làng Lộng Khê. Không chỉ thế, dân Lộng Khê còn tin rằng, làn khói của cây đuốc lớn ấy sẽ chuyển tải những lời cầu nguyện của con người lên tầng trên đến các vị thần linh, để những đấng thiêng liêng thực hiện như điều cầu nguyện của dân làng. Cây đình liệu đã mang tư cách của “cây phúc”, cây sinh lực, bởi có màu đỏ là mầu của sinh khí, của sự sống.

Ngoài múa Bát Dật và tục đốt cây Đình Liệu, lễ hội đền Lộng Khê xưa kia còn có múa kéo chữ, xếp các chữ Thái Bình cảnh sắc theo tự dạng chữ Hán. Người múa kéo chữ hai tay cầm ngọn đuốc. Múa kéo chữ cầm đuốc gắn với tục đốt đuốc từ đình tỏa về các ngả đường trong làng vào đêm dã hội đốt cây đình liệu được lí giải là khi quân nhà Trần đánh trận qua vùng sông Hóa nghỉ tại đền Quốc sư Không Lộ báo mộng đem quân đánh thắng Ô Mã Nhi ở cửa sông Bạch Đằng.

Năm nay, thực hiện theo thông lệ, UBND xã An Khê tổ chức lễ hội Đền Lộng Khê trong 3 ngày, từ ngày 22 đến 24 tháng 4 năm 2022 (tức từ  ngày 22 đến 24 tháng 3 năm Nhâm Dần) với nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian, truyền thống; tiêu biểu hơn cả là màn múa Bát Dật và chương trình đốt cây đình liệu. Lễ hội đã thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở người dân ghi nhớ công lao của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đặc biệt, trong chương trình đốt cây Đình Liệu năm nay, vào tối ngày 24 tháng 04 năm 2022 (tức ngày 24 tháng 03 năm Nhâm Dần), rất vinh dự có các đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND Huyện, đồng chí Nguyễn Tiến Quyền - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy - UBMTTQVN huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, lãnh đạo chủ chốt các xã giáp ranh đã về dự động viên cùng với sự tham gia đông đảo Nhân dân và quý khách thập phương đã góp phần vào sự thành công chung của lễ hội. Lễ hội Đền Lộng Khê đã thể hiện mong ước của nhân dân về mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu; qua đó cũng thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhắc nhở người dân ghi nhớ công lao của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước, đồng thời bảo lưu những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nguyễn Thị An 

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn