Đẩy mạnh phát triển du lịch Thái Bình dựa trên các giá trị văn hóa

19/09/2023
Thái Bình – mảnh đất quê hương với tên gọi “chị hai năm tấn” đã đi vào tâm trí của bao người dân trên dải đất hình chữ S, với vị trí nằm ở phía Đông Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, lại nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với trên 53 km bờ biển trong vịnh Bắc Bộ. Tài nguyên du lịch của tỉnh được đánh giá tương đối đa dạng, phong phú về loại hình, đặc biệt là du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh văn hóa lịch sử lễ hội

Thái Bình với tài nguyên văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc

Thái Bình – mảnh đất quê hương với tên gọi “chị hai năm tấn” đã đi vào tâm trí của bao người dân trên dải đất hình chữ S, với vị trí nằm ở phía Đông Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, lại nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với trên 53 km bờ biển trong vịnh Bắc Bộ. Tài nguyên du lịch của tỉnh được đánh giá tương đối đa dạng, phong phú về loại hình, đặc biệt là du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh văn hóa lịch sử lễ hội. Hiện nay, Thái Bình có 2.969 di tích, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 125 di tích quốc gia, 593 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó, là Kho tàng di sản văn hoá của Thái Bình vô cùng phong phú với 493 lễ hội, trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thái Bình hiện có 16 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, 02 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây được coi là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

Ảnh: Nhà hát Chèo biểu diễn tại sân khấu của Nhà hát.

 

Tiến hành đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đặc biệt là tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian

 

Ảnh: Hoạt động trải nghiệm văn hoá dân gian múa sạp tại Bảo tàng tỉnh

Văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Trong các năm qua, du lịch Thái Bình đã nắm bắt thế mạnh, từng bước phát triển và dựa vào văn hóa để nâng cao sức cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa với du lịch – gắn kết tạo ra yếu tố cộng hưởng, qua lại lẫn nhau. Nếu Du lịch dựa vào văn hóa để tạo sự phát triển, mới lạ, cạnh tranh thì văn hóa được quảng bá và phát triển tốt hơn thông qua các hoạt động du lịch.

Hình ảnh sự kiện phố ông đồ và góc chợ quê tại Bảo tàng tỉnh

Khi đến với Thái Bình du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nét độc đáo, lối kiến trúc cổ của  các Di tích lịch sử, được tham gia các lễ hội xuyên suốt trải dài từ đầu năm, mà đặc biệt còn được tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian như các trò chơi, trò diễn dân gian rất đặc sắc trong các lễ hội – tạo điểm nhấn và ấn tượng cho du khách. Giờ đây, các trò chơi dân gian không chỉ được tổ chức ở các lễ hội, mà các công ty du lịch cũng đã đưa vào lịch trình của mình - bởi trò chơi dân gian là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân từng vùng miền, từng dân tộc, phù hợp với tất cả các đối tượng, các lứa tuổi. Có những công ty lữ hành coi đó như một sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đến trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách.

Thái Bình với 58 trò chơi, trò diễn dân gian phân bố hầu khắp trên các địa bàn của tỉnh. Với những loại hình nổi tiếng có thể kể đến như : Chèo, múa rối nước, múa giáo cờ giáo quạt, múa bát dật, múa kéo chữ, múa ông Đùng bà Đà, hội thi Sáo Đền,…hay các trò chơi rất quen thuộc như múa sạp, đánh pháo đất, bơi chải, múa lân, hát chầu văn… đây chính là yếu tố giúp tăng sự đặc sắc trong mỗi chuyến đi, cũng như sự gắn kết giữa các du khách và với người dân bản địa. Nói đến vùng quê lúa Thái Bình du khách sẽ được đắm chìm trong các làn điệu chèo với các trang phục : áo bà ba, áo tứ thân, áo the, quần chùng, khăn đống, những loại nhạc cụ như : trống cái, trống chèo, mõ, nhị. Hay như các điệu múa sạp du khách sẽ được hòa mình vào không khí vui tươi, cùng đứng thành hai hàng, những bước chân dậm nhảy trong sạp theo nhịp nhạc, với đạo cụ là những cây tre làm khung sạp, hoa, khăn…kế bên là mọi người cùng tham gia và cổ vũ… Tất cả  đều cuốn hút du khách bởi sự đơn giản không cầu kỳ, nhất là trong nhịp sống của xã hội hiện đại, các trung tâm đô thị lớn, các bậc cha mẹ luôn bận rộn với công việc nên ít có thời gian cùng trẻ nhỏ làm quen với các trò chơi dân gian nên việc giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn lại một việc làm rất cần thiết, sẽ góp phần bồi đắp tình yêu và niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc đã và đang được giữ gìn qua nhiều thế hệ.

Trong Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 21/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, nêu rõ ‘‘văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội’’, thông qua hoạt động du lịch chính là cầu nối, là đòn bẩy, từ đó cũng cần đòi hỏi các nhà làm du lịch cần có cách thức khai thác, cách thức tổ chức hợp lý, và những giải pháp để phát triển du lịch hiệu quả dựa vào các yếu tố văn hóa nói chung và các giá trị, trò diễn dân gian nói riêng, làm hành trang giúp du lịch Thái Bình sẽ ngày càng khởi sắc, tạo dấu ấn thu hút trong lòng du khách không chỉ nội địa mà còn cả du khách quốc tế.

                                                                                                    Phạm Yến

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn