Làng Giành là một làng cổ có khoảng 2.000 năm lịch sử. Trước đây vùng này là một khu sinh lầy, qua nhiều năm bồi tụ tạo nên một vùng đất cao. Trong đó nổi lên một gò cao hình con công, cây cối xum xuê, cư dân trong vùng lập nên nơi thờ tự, cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc, cầu an. Ngôi chùa có tên Cổ Linh, sau đổi tên là Địa Linh, cũng gọi là chùa Chành. Chùa Chành là một trong những chi của đạo phật Trúc Lâm sớm nhất, cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam ở khu vực Thái Bình, chỉ sau chùa Keo, chùa La Vân và chùa Phúc Thắng. Nơi đây đã in dấu chân phổ độ của Đại tổ Pháp loa, đệ tử của vua Trần Nhân Tông đưa đạo nhập thế, phát triển Phật giáo theo bản sắc riêng của người Việt. Chùa còn là cơ sở của phong trào Văn thân chống Pháp của Phủ Kiến Xương và nhiều sỹ phu yêu nước trong vùng. Sau năm 1954 chùa còn là nơi hội họp, học tập văn hóa và bổ túc văn hóa của nhân dân làng Chành và xã Tân Bình. Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình có ghi nhận về chùa Chành “Là nơi có phong trào phụng đạo và yêu nước”. Để giữ gìn di tích, năm 1994 UBND tỉnh Thái Bình đã công nhận chùa Chành là Di tích lịch sử văn hóa. Trong chùa còn lưu giữ được đủ tượng Phật, và cũng là một trong 2 chùa ở Thái Bình còn bảo vệ được trọn vẹn 18 vị Long thần.
Toàn bộ khuôn viên chùa hiện nay rộng trên 10.000 m2. Trong chùa cây cối xum xuê. Trong đó có 5 cây cổ thụ được Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam vào năm 2015: cây đại trên 800 năm tuổi, hai cây thị trên 500 năm tuổi, cây nhãn trên 400 năm tuổi và cây gạo trên 300 năm tuổi. Ngoài ra còn có nhiều cây hàng trăm năm tuổi khác luôn xanh tốt quanh năm. Cảnh chùa thoáng đãng, môi trường sinh thái cổ kính, thâm u, tĩnh lặng làm cho bất cứ ai đến thăm đều cảm thấy tâm tư nhẹ nhõm, bình yên và thư thái hơn.
Trải qua thời gian, do phong hóa của thiên nhiên và ảnh hưởng của chiến tranh nên chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương, Ban Quản lý, Ban Bảo vệ di tích, các tấm lòng hảo tâm như Đại đức Thích Thanh Hùng - trụ trì chùa Trừng Mại, cùng nhân dân địa phương, quý khách thập phương luôn chung tay giữ gìn, đóng góp trùng tu tôn tạo di tích chùa Chành ngày một khang trang như ngày nay, tạo nên một nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo hết sức quý giá cho tín đồ Phật tử, quý khách gần xa.
Tìm hiểu về di tích chùa Chành, ta hiểu hơn về vùng đất Tân Bình giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Phát huy truyền thống ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Bình ngày nay đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất đạt trên 161 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 81,5%. Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm thực hiện tốt. 100% thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”. An ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đạt nhiều kết quả quan trọng. Xã đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch lên phường trong năm 2020; từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí sau khi được lên phường.
Phan Hồng TP