Vào những lúc nông nhàn, người dân nơi đây tranh thủ làm một số nghề khác như đan lát, dệt... để phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Dần dần hoạt động sản xuất thủ công có cơ hội phát triển và trở thành một trong những nghề chính bên cạnh nghề nông.
Từ một, hai, ba gia đình, hoạt động sản xuất thủ công dần triển rộng hơn với quy mô cả một làng hoặc một hay nhiều xã. Để được công nhận là làng nghề truyền thống thì cần đáp ứng đủ 3 tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
- Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc;
- Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Với những tiêu chí trên, hiện nay, tỉnh Thái Bình có khoảng 35 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Hưng Hà. Hầu hết các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống của tỉnh Thái Bình thuộc nhóm sản phẩm từ cói và lục bình, kim khí, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ... Trong đó có một số làng nghề tiêu biểu như Chạm bạc Đồng Xâm, chiếu Hới, làng Nguyễn với bánh Cáy, làng nghề dệt đũi Nam Cao...
Làng nghề Chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Đây là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Bình. Nghề chạm bạc ở Đồng Xâm được hình thành vào khoảng thế kỷ XV. Các sản phẩm chính được tạo ra chủ yếu là đồ thờ cúng, đồ trang trí, trang sức... Dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những khối bạc sẽ được chạm khắc công phu, tỉ mỉ đến mức tối đa để tạo ra những sản phẩm đẹp nhất, hoàn thiện nhất. Trong quá trình chế tác, mặc dù những người thợ đã sử dụng máy móc để gia công song có những công đoạn vẫn cần bàn tay khéo léo của con người và một số kỹ thuật bí truyền để hoàn thiện sản phẩm.
Bên cạnh chạm bạc, hiện nay ở Đồng Xâm phát triển thêm nghề chạm đồng để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Với sự tinh xảo, các sản phẩm được tạo ra từ làng nghề trở thành một trong những mặt hàng nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm vinh dự được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc.
Làng nghề dệt chiếu Hới nằm trên địa bàn xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà. Đây là một trong những làng nghề lâu đời nhất của tỉnh Thái Bình và chiếu Hới là một trong những vật dụng thân thuộc của người dân Bắc Bộ. Vậy nên dân gian mới truyền nhau câu ca “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”.
Nguyên liệu chính để làm chiếu là cói và sợi đay. Để làm được một chiếc chiếu không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn cần cả kinh nghiệm và sự sáng tạo của người thợ. Với sự sáng tạo, người thợ thường dệt nhiều loại hoa văn như bông hoa, chữ thọ, hình thoi... và nhuộm thêm màu sắc để chiếc chiếu trở nên độc đáo và đẹp mắt. Đưa tâm tình vào từng khung dệt, những người thợ làng Hới đã dệt nên những chiếc chiếu tốt về chất lượng và đẹp về hình thức. Qua thời gian, mặc dù trên thị trường hình thành nhiều loại chiếu mới, song chiếu Hới vẫn là sản phẩm được đông đảo người dân tin dùng và những người dân làng Hới vẫn giữ cho mình tình yêu với nghề và sự hy vọng nghề dệt chiếu Hới sẽ phát triển hơn nữa.
Làng Nguyễn không chỉ được biết đến là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước mà còn được biết đến là quê hương của một sản vật tiến vua, đó là bánh cáy.
Bánh cáy làng Nguyễn có từ cách đây hơn 200 năm do bà Nguyễn Thị Tần sáng tạo ra. Vốn là người thông minh, học giỏi, năm 1739, bà được tuyển vào cung phụ trách dạy bảo công chúa và các phi tần. Trong cung vua phủ chúa, bà được thưởng thức nhiều của ngon, vật lạ nhưng vốn xuất thân nơi thôn dã, nên bằng chính những nguyên liệu sẵn, bà đã sáng tạo ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị. Sau khi đem tiến vua, vua Lê Hiển Tông đã đặt tên mới cho bánh là bánh cáy vì nhìn miếng bánh có nhiều màu sắc trông như trứng con cáy.
Để làm ra chiếc bánh cáy thơm ngon cần nhiều nguyên liệu như gạo nếp cái hoa vàng, gấc, cà rốt, gừng... Sau khi đủ các nguyên liệu, người thợ sẽ bắt đầu làm những chiếc bánh cáy dựa theo bí quyết được truyền lại. Chiếc bánh sau khi được làm xong sẽ được cắt ra thành từng miếng nhỏ và dùng túi nilon bọc lại. Thưởng thức một miếng bánh cáy chuẩn hương vị của làng Nguyễn, thực khách cảm nhận được hương thơm của vừng, lạc, vỏ quýt hòa quyện với vị béo ngậy của mỡ, dừa, xôi cùng độ ngọt vừa phải của mật mía, vị cay của gừng... Chính hương vị độc đáo, đặc trưng đó đã làm nên tên tuổi của đặc sản bánh cáy làng Nguyễn và tỉnh Thái Bình suốt nhiều năm qua.
Ngoài ra, Thái Bình còn nổi tiếng với một số làng nghề như làng vườn Bách Thuận, làng thêu xã Minh Lãng (huyện Vũ Thư), làng nghề đúc đồng An Lộng (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ)... Phát huy được hết những giá trị của các làng nghề truyền thống sẽ là tạo điều kiện để duy trì và phát triển nghề truyền thống trong tương lai.
Nguyễn Huyền