Nghề chạm bạc tạo ra những sản phẩm tuyệt mỹ, tinh xảo mà nghệ nhân làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã gìn giữ và phát triển không ngừng trong suốt 4 thế kỷ qua đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nơi trên thế giới. Các họa tiết chạm đồng khi giản đơn, tinh tế, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ, chi tiết, đôi bàn tay quen việc, quen nghề nện búa đều thoăn thoắt, để rồi những người thợ chạm trở thành họa sĩ, biến đinh tán, dùi, đục thành chiếc bút lông vẽ khéo léo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao của riêng mình.
Cách thành phố Thái Bình chừng 20km, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm nép mình bên dòng Sông Vông hiền hòa. Về đến gần làng, du khách sẽ nghe thấy âm vang chạm, khắc văng vẳng trong không gian yên bình của đồng quê.
Ảnh: Thuỷ tạ lục lăng đền Đồng Xâm (tác giả)
Phía sau những tiếng đục, tiếng hàn có vẻ khô khan là người thợ chạm bạc cần cù, tỉ mỉ đang miệt mài sáng tác, tạo ra những sản phẩm có hoa văn tinh tế, mềm mại trên bề mặt kim loại ngỡ như khô cứng.
Ảnh: Tổ thợ nhà cô Tươi - Cơ sở Thái Uý thôn Hữu Bộc (sưu tầm)
Nghề chạm bạc Ðồng Xâm có lịch sử tồn tại từ năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ. Buổi đầu, làng là làng nghề chuyên hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát..., về sau người dân mới chuyển sang làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc. Trải qua gần 600 năm biến động, thăng trầm, đến nay những người thợ kim hoàn Đồng Xâm vẫn giữ vững và phát triển tinh hoa nghề truyền thống tổ tiên xưa truyền lại, đưa sản phẩm chạm bạc đến với khắp các địa phương trong nước cũng như quốc tế.
Hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, sự vất vả cho người thợ bạc đã được giảm bớt phần nào. Tuy nhiên vẫn có những công đoạn nhất định đòi hỏi những người làm nghề phải thực hiện thủ công. Các công đoạn này yêu cầu sự tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật cao cùng với đôi mắt thẩm định nghệ thuật thành thạo, là yếu tố thể hiện đẳng cấp của nghệ nhân, cũng chính là bí quyết, những “ngón” nghề riêng mà người làng Đồng Xâm giữ làm “vốn” cho mình. Những bí quyết này trong quá khứ còn trở thành luật lệ, bị nghiêm cấm truyền dạy cho nơi khác, người làng khác, tạo điều kiện cho sản phẩm làng nghề giữ được tính đặc thù, chất riêng.
Ảnh: Tác phẩm "Bức họa thôn quê" (sưu tầm)
Nếu có dịp về thăm quê hương của chị Hai năm tấn, du khách sẽ không chỉ được ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, thưởng thức đặc sản bánh cáy, kẹo lạc ngọt bùi mà còn có thể tận mắt tìm hiểu quá trình chạm khắc ra sản phẩm bạc tinh xảo, mang về một món quà tinh xảo làm kỷ niệm từ làng nghề nhiều năm tuổi Đồng Xâm, Kiến Xương.
Thế Công (Tổng hợp và sưu tầm)