Ngày du lịch Việt Nam 09/7

09/07/2023 09/07/2023 2510 1
Ngày 09/7/1960 đã trở thành dấu son lịch sử đối với những thế hệ người làm du lịch. Ngay từ những ngày đầu, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định cụ thể nhiệm vụ cụ thể và tầm nhìn cho ngành Du lịch Việt Nam.

Ngày 09/07/1960, Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 26 CP về việc thành lập Công ty du lịch Việt Nam - công ty trực thuộc bộ ngoại thương, bất chấp những khó khăn của chiến tranh và thiếu thốn cơ sở vật chất. Từ đó ngày 09/07 hàng năm cũng được chọn là ngày của du lịch Việt Nam nhằm ghi nhớ thời khắc lịch sử này, không ngừng trau dồi, phát triển để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Khẩu hiệu Du lịch Việt Nam

Ngành du lịch Việt Nam đã lựa chọn các khẩu hiệu qua từng giai đoạn, đánh dấu quá trình hình thành, phát triển của ngành:

2001 - 2004: Việt Nam - Điểm đến của thiên niên Kỷ mới

2004 - 2005: Hãy đến với Việt Nam

2006 - 2011: Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn

2012 - Nay: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận

Slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” vừa có tính kế thừa, vừa gợi ra một chân trời rộng mở về không gian, thời gian, sự đa dạng của các sản phẩm du lịch. “Thời gian”, “Sự mãnh liệt”, “Sự huyền bí” và “Sự cam kết” là các giá trị cơ bản của thương hiệu Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận.

Việt Nam sẽ là điểm đến đem lại thời gian đích thực cho du khách, thôi thúc du khách dành thời gian khám phá, thưởng ngoại. Đồng thời, hệ thống biển, đảo, rừng, núi… của Việt Nam đem lại cho du khách sự trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, phong phú, đa dạng, còn khá nguyên sơ và chưa được khám phá. Do đó, Việt Nam là đất nước có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ.

Biểu tượng Du lịch Việt Nam

Hiện nay, biểu tượng (logo) du lịch Việt Nam đang sử dụng là biểu tượng đóa sen 5 cánh màu khác nhau: xanh nước biển, xanh lá cây, màu cam, màu tím và màu hồng. Bông hoa sen được cách điệu với 5 cánh 5 sắc màu tượng trưng cho du lịch Việt Nam đầy quyến rũ và đang tỏa hương sắc. Số 5 theo triết lý phương đông là một con số đẹp thể hiện sự sinh sôi, sức sống mãnh liệt. Bông sen được tạo hình sống động, duyên dáng. Màu sắc của cánh hoa gợi mở sự liên tưởng về các sản phẩm du lịch, những trải nghiệm phong phú, những cung bậc cảm xúc tốt đẹp của du khách khi đến với Việt Nam. Màu xanh nước biển là màu chủ đạo biểu thị cho du lịch biển đảo, một trong những sản phẩm du lịch chính của Việt Nam. Màu xanh là cây tượng trưng cho du lịch sinh thái, thiên nhiên; màu vàng cam tượng trưng cho du lịch văn hóa, lịch sử; màu tím tượng trưng cho du lịch khám phá, mạo hiểm; màu hồng tượng trưng cho sự năng động, lòng hiếu khách của con người Việt Nam.

Vai trò của ngành Du lịch

Trải qua 63 năm phát triển, ngành Du lịch Việt Nam nói chung đã chứng tỏ vị thế quan trọng trong đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2021 Việt Nam xếp hàng thứ 52 trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực của ngành du lịch Việt Nam (Nguồn: World Economic Forum). Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ngành đã chịu những tác động không nhỏ. Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Ngành du lịch Việt Nam đã hồi phục tích cực khi tổng thu từ du lịch vượt 23% kế hoạch năm. Năm 2023 được dự báo là một năm sôi động của thị trường du lịch Việt Nam với dấu mốc khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quôc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid 19.

Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" gửi gắm thông điệp tăng trưởng xanh, phat triển du lịch bền vững gắn với các ngành kinh tế khác, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho du khách, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, liên kết các ngành, các địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, bền vững. Trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ đại dịch, nhiều sản phẩm du lịch thông minh, áp dụng chuyển đỏi số đã ra đời.

Trong suốt 63 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Du lịch luôn được Đảng và nhà Nước quan tâm, ở mỗi thời kỳ đều xác định vị trí của Du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng. Hình ảnh, vị thế quốc gia không ngừng được cải thiện và nâng cao trên trường quốc tế tạo đà tích cực cho du lịch phát triển. Đồng thời, ngành Du lịch có sự chủ động, tích cực và cố gắng nỗ lực của toàn Ngành, đặc biệt là sự năng động của các doanh nghiệp du lịch để nhanh chóng hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ khu vực và toàn cầu. Quyết tâm chính trị của nhiều địa phương cùng với sự cần cù, sức sáng tạo trong các tầng lớp dân cư đã tạo ra nội lực tăng trưởng chủ yếu. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm đan xen những khó khăn - thuận lợi, cơ hội - thách thức, đến nay, ngành Du lịch đã và đang có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách, yêu chuộng hòa bình đến với bạn bè quốc tế./.

BBT

Bản đồ

Lịch trình của bạn