Top 5 đặc sản Thái Bình

12/05/2020
Thái Bình không chỉ có Ổi Bo và bánh Cáy

1. Nem nắm Thái Bình ( nem chạo Vị Thủy)

Nem năm là đặc sản của Thái Bình nói chung và của làng Vị Thủy – xã Thái Dương- huyện Thái Thụy nói riêng. Bởi lẽ tại đây, nem chạo được chế biến để ăn sống. Đó là phương cách hoàn toàn khác biệt với các loại nem chạo chín men ở nhiều nơi khác. Theo những người dân làng Vị Thủy, để làm được món nem sống  thì thịt lợn phải tươi ngon. Lợn vừa thịt xong, còn nóng hổi, không được rửa nước lã, phần sống của bộ xương (không băm rẻ sườn), được băm cho đến khi nhuyễn ra. Băm khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, lúc này thịt nạc, xương, tủy quyện lẫn vào nhau có màu hồng. Trộn thịt băm với các gia giảm đã được giã nhuyễn như: nước mắm Diêm Điền, tỏi tía, nước cốt chanh, đường trắng, mì chính, hạt tiêu, ớt tươi. Sau đó trộn tiếp với bì thái chỉ và thính gạo.

Nem nắm ăn kèm với lá sung, lá ổi hoặc lá đinh lăng là món ăn yêu thích không chỉ của các đấng mày râu
Nem nắm ăn kèm với lá sung, lá ổi hoặc lá đinh lăng là món ăn yêu thích không chỉ của các đấng mày râu

Nem được nắm thành từng nắm tròn, chắc tay sao cho thịt, bì không bị rơi ra ngoài. Chính phần tỏi được cho vào rất nhiều trong nem giúp tiêu diệt các vi trùng, virus, giun sán có trong thịt. Vì đã trộn một lượng tỏi lớn vào thịt, nên không cần vắt chanh vào thịt, không cần để lên men, có thể ăn ngay sau khi chế biến. Món mem nắm khi ăn có vị ngọt của thịt sống, ngọt và giòn của xương, bùi bùi của tuỷ, béo của mỡ và dai dai của bì cùng với các loại gia vị chua, cay, mặn, ngọt. Rồi vị thơm của tỏi, chanh tươi, nước mắm, thính, và lá chanh. Ăn kèm với nem là các loại lá như:  lá sung, lá ổi hoặc lá đinh lăng. Cánh mày râu uống bia mà có một nắm nem như thế này thì không còn gì tuyệt bằng.          

Tùy theo từng nắm,giá khoảng từ 20-30k/ nắm

2. Bánh gai Đại Đồng

Đi qua cầu Tân Đệ là đến huyện Vũ Thư thuộc đất Thái Bình.  Nơi đây có làng Đại Đồng – xã Tân Hòa có thể được coi là quê hương của đặc sản bánh gai. Chất liệu tạo thành bánh gai toàn sản phẩm đồng quê đâu đâu cũng sẵn như lá cây gai, gạo nếp, vừng, lạc, đậu xanh, bí đao, cùi dừa, đường, thịt lợn,.. Tuy nhiên quy trình sản xuất bánh thì khá tỉ mỉ. Phải yêu nghề và có tâm mới nghề mới tạo ra được những chiếc bánh gai thơm ngon đặc biệt. Cùi bánh là khâu đầu tiên quan trọng. Lá gai tươi tuốt lấy phần thịt, bỏ gân và cuống, phơi nắng thật khô, giòn sau đó ngâm lá trong nước, ngâm càng lâu sau này bánh càng mềm. Lá không ngâm quá một ngày rồi vớt ra cho vào nồi bung khoảng 12 tiếng thì đổ lá rửa lại lần nữa, cho lên giàn ép kiệt nước...

Gạo dùng làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng vụ mùa. Gạo đem vo như thổi xôi rồi ngâm chừng nửa tiếng để ráo nước rồi nghiền. Bột nếp sờ mát tay là được. Đường dùng làm bánh phải là đường trắng. Bột lá gai, bột gạo và đường được nhào với nhau theo tỷ lệ nhất định sao cho bánh mịn màng có màu óng như thạch. Nhân bánh là nhân đậu xanh thổi nhừ cộng với lạc vừng cùi dừa cạo nhỏ, mứt bí, dầu chuối. Trước khi được gói bằng lá chuối khô, bánh lăn vào mỡ nước một lượt, rắc hạt vừng lên cùi để bánh được bóng, khi bóc lá không sát và bánh có độ ngậy. Bánh gai Đại Đồng- Thái Bình  giá chỉ 5k/ chiếc với hương thơm quyến rũ, béo, ngậy, đặc biệt vị ngọt thanh và đậm của bánh khó có thể quên.

Bánh gai Đại Đồng ăn một lần là nhớ mãi
Bánh gai Đại Đồng ăn một lần là nhớ mãi

3. Canh cá Quỳnh Côi

Canh cá Quỳnh Côi được xem là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Thay vì sử dụng sợi bùn phở thông thường thì người Thái Bình lại chọn cho mình bánh đa, tạo dấu ấn riêng cho canh cá Quỳnh Côi mà không món ăn nào khác có được. Sợi bánh đa dùng làm canh cá phải được làm từ gạo chiêm mùa trước, sợi phải mỏng, mịn và dai thì bát canh cá mới ngon. Cá dùng làm canh phải còn tươi ngon. Cá sau khi được làm sạch, lóc phần thịt nạc, khéo léo tách bỏ xương, rồi đem thái thành miếng dày chừng hơn nửa phân, ướp với chút nước mắm ngon, tiêu bột và nước cốt nghệ.

Cá được tẩm ướp chừng nửa giờ cho thấm, khi xong lại được cho lên vỉ nướng qua than hoa cho thơm và chín tới, sao cho lớp vỏ ngoài vừa se lại, thịt cá bên trong vừa chín thì bỏ ra khỏi vỉ đem chiên lên tới khi vàng sẫm. Phần cá có dính chút xương thì đem băm nhuyến với hành khô, tiêu, ớt tươi cho nhuyễn. Sau đó nặn thành từng miếng đem chiên vàng hai mặt. Miếng cá chiên xong thơm phức, mỏng và xốp, giòn giòn thơm cay rất đặc trưng. Phần đầu và xương có thể đem ninh để lấy nước nấu canh. Nước dùng sẽ rất trong và có vị ngọt đậm đà.

Mùa nào thì thức ấy, mùa hè thì trong món canh có thêm rau rút, rau ngót. Mùa lạnh thì thêm rau cần hoặc rau cúc tần. Buổi sáng, ngồi thưởng thức một bát canh cá Quỳnh Côi ngọt lành với giá chỉ 20k-30k/bát, chắc chắc khách qua đường cũng như du khách bốn phương khi đến với Thái Bình sẽ bị mê mẩn, hấp dẫn.  

Đặc sản canh cá Quỳnh Côi
Đặc sản canh cá Quỳnh Côi

4. Bánh nghệ

Nói đến đặc sản của quê lúa, chúng ta không thể quên thưởng thức một loại bánh cũng có nguyên liệu chính từ những hạt gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm của đồng đất Thái Bình. Đó chính là bánh nghệ. Bánh nghệ chỉ có ở các xã khu Nam huyện Tiền Hải và một số xã khác thuộc huyện Kiến Xương. Bánh nghệ được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo tẻ và bột nghệ. Thế nhưng qua bàn tay khéo léo của những người thợ làm bánh, nó đã trờ thành những chiếc bánh nhỏ xinh, vàng rộm, thơm nồng. Bánh có giá trị dinh dưỡng và mùi vị rất riêng, ăn vào không sợ bị nóng.

Nhân bánh là hành hoa và mộc nhĩ được phi thơm. Bánh nghệ được ăn nóng rất ngon, nhất là trong tiết trời lạnh thì không gì thích bằng. Những người con xa quê tìm về bánh nghệ như sống lại tuổi thơ êm đềm nơi góc chợ quê yên ả, thanh bình, có bóng hình của bà, của mẹ trong phiên chợ tết đầy sắc màu nơi quê nhà yêu dấu. 

Món bánh ngon, bổ, rẻ này giá chỉ có từ 1-2k/ chiếc tùy từng loại to nhỏ. Như vậy chỉ với 10k bạn có thể ăn no mà không thấy chán.

Bánh nghệ là món ăn bán chạy nhất ở chợ quê
Bánh nghệ là món ăn bán chạy nhất ở chợ quê

5. Bánh cáy

Nói đến đặc sản Thái Bình, món người ta nhớ đến đầu tiên chắc chắn sẽ là bánh cáy. Loại bánh này ngoài Thái Bình ra thì không nơi nào có bởi đây chính là bánh mà người dân Thái Bình xưa dùng làm đồ tiến vua. Từ thành phố Thái Bìnhxuôi theo quốc lộ 39 tới huyện Đông Hưng, gặp xã Nguyên Xá, ngửi thấy từ đầu làng mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp, của nha, của mứt, khứu giác tự mách bảo với ta đã đến đất làng Nguyễn – quê tổ của món bánh đặc trưng này. Bánh được làm hoàn toàn từ những nông sản của địa phương như gạo nếp, mứt bí, dừa, vừng (mè), lạc (đậu phộng).

Cái vị riêng của bánh cáy là sự hòa quyện giữa các nguyên liệu làm từ hoa màu có sẵn trong thiên nhiên tạo cho bánh vị dẻo, thơm đặc trưng mà những địa phương khác làm cũng không bằng được. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt của gạo nếp, lạc, vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy cái lạ miệng khi trong đó có mứt bí, cơm dừa deo dẻo, gừng tươi cay nồng. Ăn bánh cáy mà uống thêm chén trà nóng là đúng kiểu. Người Thái Bình đi đến đâu cũng mang theo phong bánh cáy làm quà, coi như một lời giới thiệu về quê hương. Mỗi ngày lễ, tết, cúng giỗ tổ tiên, trên ban thờ trong mỗi gia đình người Thái Bình đều không thể thiếu phong bánh cáy.  

Tùy loại to nhỏ, bạn có thể mua một phong bánh cáy từ 20k-40k

Bánh cắt xắt ra từng miếng ăn rất thơm và ngon
Bánh cắt xắt ra từng miếng ăn rất thơm và ngon

Thái Bình không chỉ là quê hương của chị hai năm tấn với những con đường bê tông thẳng tắp dẫn ra cánh đồng rộng thênh thang. Thái Bình còn là thiên đường ăn uống với những món ăn dân dã: ngon, bổ, rẻ không pha trộn với bất cứ món ăn ngon nào ở Việt Nam. Hãy đến với Thái Bình để thưởng thức và khám phá ngay thôi nào.

Nguồn: Thaibinhtintuc.vn

Bài viết liên quan

Lịch trình của bạn